Bí ẩn ‘ngọn núi Thiên Lôi’ ở Phú Yên
08/11/2016 | Đăng bởi Admin
Người dân Tuy Hòa thường gọi Chóp Chài là núi “trời đánh” vì mỗi năm, có ít nhất 15 trận sét tóe lửa ở đây. Xây dựng được 8 năm nhưng bộ đếm sét tại ăng-ten của VTV Phú Yên và Đài PT-TH Phú Yên đã nhảy lên con số 47 lần. Đó là chưa kể những trận sét đánh vào ăng-ten của Trạm Ra-đa Chóp Chài hay của VNPT Phú Yên cũng như hệ thống điện dẫn lên núi.
“Chỉ từ đầu mùa mưa (tháng 8) đến nay, đã có 7 trận sét đánh vào trụ ăng-ten nhà đài và 6 trận vào hệ thống điện. Chóp Chài như ngôi nhà thứ hai của thiên lôi. Đi đâu thì đi nhưng cứ đầu mùa mưa, thiên lôi lại quay về đây để làm khổ anh em tôi” – kỹ sư Đặng Rõ, Phó Phòng Kỹ thuật VTV Phú Yên, đùa.
Theo các cán bộ, chiến sĩ đang sống và làm việc tại đỉnh núi Chóp Chài, máy móc ở đây bị thiệt hại nặng khi sét đánh vào hệ thống điện dẫn từ chân núi lên. “Mỗi thiết bị máy móc đều có hệ thống chống sét từ 1 đến 3 tầng được gắn nơi nguồn điện cung cấp nhưng khi sét đánh trúng đường dây điện thì không thiết bị nào chịu nổi” – kỹ sư Nguyễn Văn Nam, kỹ thuật viên Đài PT-TH Phú Yên, cho biết.
Chỉ cho chúng tôi xem một máy phát sóng FM vừa bị sét đánh, lớp vỏ thép dày hơn 1 cm dùng bọc máy thủng một lỗ bằng đầu đũa, kỹ sư Nam giải thích: “Với cường độ này, nếu 1.000 người xếp hàng đứng gần nhau chỗ máy phát sóng thì sét sẽ đánh xuyên qua từ người đầu đến người cuối. Mỗi năm, VTV Phú Yên cũng như Đài PT-TH Phú Yên đều “hiến tế” từ 1 đến 2 máy phát sóng cho thiên lôi” – anh Nam nhún vai.
Kỹ sư Đinh Văn Hùng, công tác tại Đài PT-TH Phú Yên, người có nhiều năm nghiên cứu sét ở Chóp Chài, cho rằng đỉnh núi này như là nơi thu sét của cả TP Tuy Hòa và những huyện lân cận như Tuy An, Phú Hòa. Nằm chênh vênh giữa cánh đồng Tuy Hòa, quanh năm mây phủ, đỉnh núi Chóp Chài cao 391 m lại là nơi đặt nhiều thiết bị máy móc làm bằng kim loại, dẫn điện tốt nên đã hút các đám mây tích điện về đây gây nên sét.
Sống chung với… thiên lôi
Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Hà, Phó Phòng Kỹ thuật Đài PT-TH Phú Yên, mỗi khi dông sét nổi lên, không ai trên đỉnh núi này có thể ngồi yên được. Sét đánh gần, đánh xa quanh núi như bom nổ, làm vỡ loảng xoảng cửa kính nơi ở và làm việc.
“Nếu ai chưa biết sét hòn, sét cục như thế nào, chỉ cần trời làm dông, lên đỉnh núi Chóp Chài sẽ biết. Khi sét đánh vào trụ ăng-ten, những khối lửa to như nồi cơm điện rơi từ đỉnh xuống đất thật hãi hùng” – anh Hà rùng mình.
Hơn 100 người sinh sống, làm việc trên núi Chóp Chài thì quá nửa bị thiên lôi đánh hụt. Chỉ cách đây 1 tuần, khi trời bắt đầu nổi dông, kỹ sư Đặng Rõ chạy ra sân để ngắt thiết bị điện. Bỗng nhiên, anh thấy đất trời sáng lóa, cùng với đó là một tiếng nổ đinh tai trên trụ ăng-ten. Những khối lửa rơi lả tả, Rõ khụy gối không thể bước nổi vào phòng.
Cách đây không lâu, kỹ sư Lê Ánh Dương, Trưởng Phòng Kỹ thuật VTV Phú Yên, trên đường lên đỉnh núi Chóp Chài để kiểm tra hệ thống máy phát, khi đến lưng chừng núi chợt có tiếng điện thoại di động reo. Vừa mở điện thoại đưa lên, anh bỗng thấy bên tai tóe lửa cùng với tiếng nổ chát chúa. Thả rơi điện thoại, sờ lên mặt thấy nóng ran, nhìn xuống thấy điện thoại bốc cháy, anh mới biết mình vừa thoát chết.
Chuyện những người trên đỉnh núi Chóp Chài kể nhiều nhất là về một công nhân của Công ty Điện lực Phú Yên. Chờ đến khi tạnh mưa, công nhân này leo lên trụ điện để nối lại đường dây vừa bị sét đánh đứt cách đó không lâu.
Chỉ mới lên được hơn 1 m, sét bỗng đánh ngay chỗ dây điện bị đứt, anh rơi tự do như con gấu say mật. Mọi người khiêng anh vào phòng kiểm tra, may là không bị gì, chỉ có… đũng quần ướt nhẹp. “Không ai trên đỉnh núi này không một lần sợ vãi như vậy vì sét đánh” – kỹ sư Hà khẳng định.
Theo kỹ sư Đặng Rõ, không có cách gì để bảo hộ được những người công tác trên đỉnh núi Chóp Chài tránh khỏi lưỡi búa thiên lôi. “Chủ yếu là tự cứu mình và trông chờ vào số phận” – anh lo ngại. Để tránh những điều không may, họ truyền nhau kinh nghiệm trốn sét.
“Khi trời bắt đầu nổi dông, tất cả tranh thủ ngắt hệ thống điện rồi chạy vào trong nhà án binh bất động, không ai được ra ngoài. Những người ở tầng 1 đội mũ bảo hiểm chạy xuống tầng trệt trốn sét. Dù khác cơ quan, đơn vị nhưng những người ở tầng trệt cũng sẵn lòng chia một góc giường, chiếc chiếu chờ dông sét đi qua. Sống ở đây là sống chung với thiên lôi, chỉ còn cách đùm bọc nhau để tồn tại” – kỹ sư Nam tâm sự.
Liên tục bị cháy máy phát sóng PT-TH khi sét đánh vào hệ thống điện lưới dẫn lên đỉnh núi Chóp Chài, hiện 2 đài VTV Phú Yên và PT-TH Phú Yên phải chọn phương án tốn kém là chạy máy nổ phát điện khi có dông sét.
“Chỉ riêng tiền dầu chạy máy cho 2 đài đã mất hơn 600.000 đồng/giờ nhưng phải chọn phương án này vì nếu không, thiệt hại sẽ còn gấp bội” – kỹ sư Hà cho biết.
Viết bình luận